… Vẻ mặt căng thẳng và tập trung cao độ, chàng võ sĩ đạo Seibei từ từ tiến về phía ngôi nhà. “
Cẩn thận, hắn ta hình như đã phát điên,” đó là lời khuyên của những người võ sĩ canh gác xung quanh ngôi nhà trước khi Seibei bước qua cánh cổng của khu vườn. Bên trong, bầu không khí đầy căng thẳng và nặng mùi chết chóc. Nằm không xa bên ngoài ngôi nhà là tử thi của một võ sĩ đạo. Xác chết nằm đó đã được vài ngày và đang bị đám ruồi nhặng bu xung quanh nhưng không ai dám bước tới gần để dọn xác chết mang đi. Người chết là một cao thủ samurai, bị giết chết dưới tay của một samurai khác đang cố thủ bên trong ngôi nhà, Yogo. Là một samurai đẳng cấp cao, hắn ta được lệnh phải tự sát để giữ đúng truyền thống võ sĩ đạo. Không những không tự sát, Yogo đã rút kiếm giết chết võ sĩ đạo đầu tiên được phái đến để lấy mạng hắn. Seibei chầm chậm tiến đến trước ngôi nhà, kéo cánh cửa và bước vào trong ...
Hẳn mọi người ai cũng nghĩ rằng màn tiếp theo sẽ là màn đấu kiếm tay đôi long trời lở đất giữa hai kiếm sĩ thượng thặng. Cũng giống như khi đang xem phim cao bồi đến cảnh gay cấn nhất khi nhân vật chính diện đối đầu với nhân vật phản diện, ai cũng chờ đợi màn đấu súng hấp dẫn, căng thẳng. Cảnh rút súng, bóp cò, súng bốc khói, đạn bay, xác người gục ngã. Ấy vậy mà những gì xảy ra tiếp theo trong bộ phim
Twilight Samurai lại không hoàn toàn như khán giả chờ đợi. Đúng là cuối cùng cũng xảy ra cảnh quyết chiến đẫm máu giữa hai võ sĩ đạo. Nhưng trước khi khán giả được xem cảnh đấu kiếm, họ đã được chứng kiến một cuộc trò chuyện kỳ dị giữa Seibei và Yogo. Nó làm thay đổi hoàn toàn bản chất của cuộc quyết đấu và làm đảo ngược 180 độ hình ảnh quen thuộc về người samurai trong suy nghĩ của khán giả.
Khi Seibei chạm trán với Yogo, mặt đối mặt, trong ngôi nhà, Yogo đang ngồi xếp bằng trên sàn. Hắn ta bình thản nói: "
Tôi biết, anh đang vô cùng căng thẳng chuẩn bị tâm lý cho trận quyết đấu, nhưng tôi dự định sẽ đánh bài chuồn." Hoàn toàn bất ngờ đối với Seibei và đối với khán giả. Chẳng phải qua bao nhiêu phim ảnh về samurai, chúng ta toàn thấy tinh thần võ sĩ đạo gắn liền với việc sử dụng thanh kiếm hay sao? Yogo hoàn toàn không có ý định muốn đấu kiếm. Thay vào đó hắn và Seibei, lúc này đã ngồi xuống sàn nơi bậc cửa, bắt đầu trò chuyện. Yogo kể về giai đoạn nghèo khổ túng thiếu của hắn lúc còn là một võ sĩ đạo đi lang thang, vất vưởng. Hắn kể về cái chết của vợ và của con gái. Seibei cũng kể về cuộc sống túng thiếu của một samurai hạng xoàng như anh, lương không đủ nuôi mẹ già và hai đứa con gái khiến anh phải mang bán thanh trường kiếm và chỉ có thể giữ lại thanh đoản kiếm. Seibei vừa kể đến đây thì nét mặt của Yogo bổng thay đổi. “
Vậy khi đến đây anh định giết tôi bằng cái gì?” “Bằng thanh đoản kiếm này của tôi,” Seibei thành thật trả lời. Có cái gì đó hung dữ lướt qua trên khuôn mặt của Yogo. Hắn đứng bật dậy và rút phắt thanh kiếm.
Xem đến đây, lúc đầu tôi tưởng lầm rằng đạo diễn muốn thể hiện Yogo là một nhân vật tượng trưng cho sự nham hiểm và tàn nhẫn. Khi biết được đối thủ của mình chỉ mang theo người thanh đoản kiếm, hắn bèn chuyển từ hiền-từ, nghèo-khổ, chúng-ta-đồng-cảnh-ngộ sang tao-phải-giết-mày, vì đã nắm được yếu điểm của đố thủ. Nhưng không phải vậy. Một trong những chi tiết ấn tượng nhất của bộ phim là lý do tại sao hai võ sĩ đạo rút kiếm để máu của một trong hai người phải tuôn, và lý do này hoàn toàn khác hẳn với suy nghĩ thông thường của khán giả. Đúng là hắn hoàn không có ý định tự sát để bảo vệ cái danh dự võ sĩ đạo hão huyền, vô nghĩa, chuyên làm tôi tớ cho một giai cấp giàu tiền, lắm quyền lực, và giờ đây hắn cũng không còn muốn rút kiếm giết hại một samurai khác số phận cũng không hơn gì hắn. Nhưng khi nghe rằng Seibei dự định đấu với hắn bằng một thanh đoản kiếm thì đối với hắn đó là một sự coi thường, sỉ nhục danh dự cá nhân không thể chấp nhận. Hắn rút kiếm không phải vì muốn bảo vệ sinh mạng của mình, mà là bảo vệ danh dự cá nhân. Làm sao người ta có thể tiếp tục sống một khi danh dự cá nhân đã mất? Trước khi gục ngã vì thanh đoản kiếm của Seibei, nhưng sau khi đã bảo toàn được danh dự cá nhân, hắn thốt: “
Giờ tôi đánh bài chuồn đây.”
Bộ phim
Twilight Samurai hoàn toàn khác hẳn với những bộ phim samurai khác của Hollywood, như
The Last Samurai với Tom Cruise đóng, và phim
Zatiochi (Hiệp Sĩ Mù) của đạo diễn Nhật Takeshi Kitano. Bộ phim không đề cao chủ nghĩa anh hùng, không ca ngợi khả năng tôi-có-thể-giết-người-giỏi-hơn-anh như thường gặp trong phim Hollywood. Nhân vật anh hùng trong phim hoàn toàn không hề muốn cầm kiếm đi giết người để được nổi bật hơn người khác. Khi bị ép phải đi giết Yogo, Seibei từ chối và đưa ra lý do: “
Để làm được việc đó cần phải có sự hung hãn của loài cầm thú và sự coi thường sinh mạng của người khác. Và để có hai yếu tố này tôi cần phải ra sống ngoài rừng núi trong mấy ngày.” Seibei không phải là người hùng Tom Cruise, cả đời chỉ biết đi giết chóc, đến khi qua Nhật cũng chỉ biết học cách giết chóc sao cho giỏi của những võ sĩ đạo Nhật. Trong toàn bộ phim Seibei chỉ rút kiếm có hai lần. Lần đầu là dùng thanh trường kiếm gỗ (vì thanh kiếm thật đã mang bán) để bảo vệ cho một người bạn, và không hề làm ai phải đổ máu. Lần thứ hai là cuối phim sau khi đã từ chối nhiệm vụ đi giết người nhưng không được và sau khi đã nhiều lần la lớn cảnh báo Yogo: “
Thưa ông, nếu ông cứ tiếp tục như vậy buộc lòng tôi phải hạ gục ông.”
Bộ phim dài 1giờ 56 phút, ngoại trừ hai cảnh đấu kiếm đã nêu, không có cảnh bạo lực đâm chém nào khác. Tiết tấu phim rất đỗi bình lặng, yên tĩnh, chậm chạp nhưng khán giả hoàn toàn bị cuốn hút vào các chi tiết của bộ phim, không hề muốn bấm nút tua nhanh như thường gặp ở đa số các phim Mỹ và Hàn Quốc gần đây. Các chi tiết của bộ phim chủ yếu quay quanh cuộc sống thường nhật của Seibei, làm nổi bật cách anh ta nuôi mẹ già và hai con gái, cách anh ta đối xử với người bạn thân của mình và em gái của người bạn thân, Tomoe. Quay trở lại sống với người anh để tránh người chồng cũ cục súc và vũ phu, Tomoe tìm thấy ở Seibei và gia đình nhỏ bé của anh tất cả những gì cần thiết cho một cuộc sống bình yên và hạnh phúc. Nhưng cuộc sống có luôn thỏa mãn cho một mơ ước dù nhỏ bé và tầm thường của Tamoe?
Phim có nhiều cảnh xúc động, nêu bật tinh thần nhân bản và triết lý sống phương Đông: người hùng là người có thể sống cuộc sống bình dị biết lo lắng hết lòng cho người thân và bè bạn, người hùng không phải là người giỏi đâm chém, giết chóc. Trong phim có đoạn Seibei thổ lộ: “
Hàng ngày tôi chỉ muốn được nhìn thấy hai đứa con gái của mình lớn lên và trưởng thành, như lúa chín, như hoa nở trên cánh đồng. Đó là niềm vui của tôi.” Nếu Tom Cruise là võ sĩ đạo cuối cùng theo nghĩa là người võ sĩ đạo cuối cùng còn sống sót trên chiến trường sau khi đã giết chết hàng loạt người khác, thì Seibei là võ sĩ đạo cuối cùng muốn cầm gươm lên giết chết người khác.
Một bộ phim đáng coi, và cần coi. Nếu bài bình luận tay mơ trên không thuyết phục được bạn thì hy vọng thông tin sau sẽ làm được chuyện đó: phim được đề cử tranh giải Oscar phim nước ngoài hay nhất năm 2002, và tuy không đạt được giải Oscar nhưng đã đoạt được tổng cộng 33 giải thưởng lớn bé khác, trong đó có 12 giải thưởng điện ảnh của Nhật.
Bài viết của thaymo35 (c) www.yXine.com