HỒ CHÍ MINH KENDO GROUP
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
HỒ CHÍ MINH KENDO GROUP

Never Give Up
 
Trang ChínhTrang Chính  PortalliPortalli  Latest imagesLatest images  Đăng kýĐăng ký  Đăng Nhập  

 

 BẠN CÓ TIN VÀO ĐIỀU KỲ DIỆU?

Go down 
Tác giảThông điệp
ptb phuong
Người giúp đỡ
Người giúp đỡ
ptb phuong


Tổng số bài gửi : 113
Age : 44
Registration date : 04/03/2007

BẠN CÓ TIN VÀO ĐIỀU KỲ DIỆU? Empty
Bài gửiTiêu đề: BẠN CÓ TIN VÀO ĐIỀU KỲ DIỆU?   BẠN CÓ TIN VÀO ĐIỀU KỲ DIỆU? Icon_minitimeFri Mar 13, 2009 11:57 pm

* Bài viết đăng trên tạp chí Kendo Jidai của Chris Yang,đội trưởng đội tuyển Mỹ
tại giải vô địch Kendo thế giới lần thứ 13 tại Đài Loan. Đội tuyển Mỹ đã lập
nên kỳ tích là đội đầu tiên đánh bại đương kim vô địch Nhật Bản ở trận bán kết.

* Chú thích: Trong thi đấu đồng đội trong kiếm đạo, mỗi đội
gồm có 5 người: Senpo (Tiên phong), Jiho (Phó tiên phong), Chuken (Trung kiên),
Fukusho (Phó tướng), và Taisho (Đại tướng). Thắng bại được quyết định trước hết
bằng số trận thắng bại, nếu số trận thắng bại bằng nhau thì kết quả được quyết
đinh bằng tổng số điểm ippon ghi được. Nếu cả hai vẫn như nhau thì mỗi đôi sẽ
cử một đại diện để thi đấu trận quyết định (daihyo-sen).

* Biên dịch: Q. Huy Sensei

-
Bạn có tin vào điều kỳ diệu?

Năm 1980, đội tuyển Olympic hockey của Mỹ đã đánh bại đội tuyền Liên Xô, một
đội dường như không thể chiến bại, trên đường đi đến chiếc huy chương vàng tại
thế vận hội mùa đông tại Lake Placid. Chiến thắng vĩ đại này khiến Al Michaels
phải hỏi cả nước Mỹ liệu họ có tin vào điều kỳ diệu, và đã đi vào lịch sử thể
thao thế giới như là “Điều kỳ diệu trên băng.” Hai mươi sáu năm sau, tại giải
vô địch kiếm đạo thế giới lần thứ 13 ở Đài Bắc, Đài Loan, đội tuyển quốc gia
nam của Mỹ (Team USA) đã đánh bại Nhật Bản trong trận bán kết và lần đầu tiên
đoạt vị trí thứ hai trên thế giới. Khi được hỏi về cảm nghĩ của mình, điều đầu tiên
tôi nghĩ đến là “Tôi tin vào điều kỳ diệu.” Tuy thế, “điều kỳ diệu” này
mà tôi đã mơ đến không phải là một sự may mắn bất ngờ, mà là một thành quả
khó tin, khó tưởng tượng, được tạo bởi tám kiếm sĩ, những người đã quẳng đi sự
kiêu căng, tính tự phụ của mình và hy sinh tất cả mọi thứ cho một giấc mơ chung.

Con đường đến Đài Loan

Con đường đến Đài Loan của tôi bắt đầu vào ngày 2 tháng 7 năm 2005, khi mà cùng
với việc đoạt chức vô địch giải vô địch quốc gia Mỹ, tôi được chọn làm đội
trưởng của đội tuyển quốc gia. Đội tuyển quốc gia Mỹ đã đạt hạng 3 lần đầu tiên
sau 21 năm tại giải vô địch kiếm đạo thế giới lần thứ 12. Ở vị trí đội trưởng,
tôi cảm thấy sức ép nặng nề để bảo toàn vị trí trong nhóm 4 đội mạnh nhất thế
giới của đội Mỹ. Với sự lựa chọn cựu đội trưởng Yuji Onitsuka làm huấn luyện
viên của đội tuyển, chúng tôi quyết định mục tiêu của mình là phải cao hơn vị
trí thứ 3 trên thế giới vào cuối mùa hè năm 2005, và bắt đầu tụ họp kiếm sĩ cho
những buổi tập huấn tự nguyện.

Những thành viên chính thức của đội tuyển Mỹ được tuyển trong đợt tuyển chọn
cuối cùng vào tháng 1 năm 2006. Năm trong tám thành viên chưa có bất kỳ một
kinh nghiệm gì với đội tuyển quốc gia. Chỉ có tôi, Danny Yang và Fumihide
Itokazu là đã có kinh nghiệm ở giải vô địch thế giới. Mặc dù có những lo lắng
về việc thiếu kinh nghiệm này, những lo lắng này đã bị dẹp tan bởi không ai
trong đội tuyển nghĩ đến hay nói đến hai chữ “Không thể.” HLV Onitsuka đã nhấn mạnh
ngay từ ban đầu rằng “với sự phấn đấu và thử thách to lớn, ngay cả những việc
không thể sẽ trở thành có thể.”

Tuy nhiên, để đạt được muc tiêu, chúng tôi biết rằng chúng tôi phải đặt ưu tiên
cho tuyển quốc gia và giải vô đich thế giới trên tất cả mọi thứ. Mặc dù rõ ràng
là những thành viên của đội tuyển cũng có công việc, trường lớp hay là những
trách nhiệm khác, chúng tôi cam kết sẽ không bao giờ lấy những trách nhiệm đó
làm lời bào chữa cho việc không tập luyện với đội tuyển. Và từ đó, chúng tôi
bắt đầu một năm hành trình đến Đài Loan và giải vô địch thế giới.

Sự gắn kết sinh ra từ trong gian khó

Con đường đến Đài Loan bắt đầu bằng 3 tháng huấn luyện nặng tập trung vào thể
lực. Với cam kết “ai cũng có thể dậy sớm hơn,” những thành viên của đội tuyển
thức dậy một hay hai giờ sớm hơn mỗi bữa sáng để tự luyện tập ngoài những bữa
huấn luyện ở võ đường. Các buổi luyện tập kiếm đạo thường diễn ra 3 hay 4 lần
mỗi tuần, và mỗi cuối tuần cả đội tập trung lại để tham dự trại tập huấn hay là
những buổi huấn luyện tự nguyện. Ngay cả ở trại tập huấn, 3 tháng đầu tiên chủ
yếu là tập bộ pháp (suriashi), kirikaeshi, kakarigeiko và oikomi. HLV Onitsuka
mau chóng nhận được biệt hiệu “Oni” (Quái vật) bởi những bữa tập ác nghiệt. Mỗi
bữa tối thứ sáu, chúng tôi phải chuẩn bị cả tinh thần và thể chất cho những bữa
luyện tập này, và mỗi khi những chỗ đau cơ bắp vừa hết chúng tôi lại phải đối
đầu với một cuối tuần luyện tập vất vả.

Tuy nhiên, không một thành viên nào bỏ cuộc hay không cống hiến 100% sức lực
của mình. Chính giữa những lúc khó khăn vất vả như thế mà chúng tôi có thể nhìn
nhau và trao đổi một nụ cười. Tôi tin rằng nụ cười này đến từ sự đánh giá cao
cơ hội làm thành viên của đội tuyển quốc gia, và sự thỏa mãn trong việc vượt
qua những “giới hạn” của bản thân. Hơn nữa, chính việc vượt qua những buổi huấn
luyện “khốc liệt” này đã tạo ra một sự tin tưởng và gắn kết giữa các thành viên
trong đội tuyển và là nền tảng cho những thành quả ở giải vô địch.

Chớp lấy cơ hội

Đầu tháng 5, năm 2006, chúng tôi bắt đầu đưa những bài tập luyện cơ bản (kihon)
vào những buối tập huấn. Tối thứ bảy hàng tuần được dùng để phân tích băng hình
của những đội có thể là đối thủ tại giải vô địch. Càng gần đến ngày thi đấu,
những buổi huấn luyện càng trở nên sâu và rộng hơn.

Những tháng đó, bản thân tôi gánh chịu một nỗi lo lắng lớn. Vừa làm đội trưởng
đội tuyển, tôi vừa tiếp tục công việc luật sư của mình tại công ty luật Latham
& Watkins LLP. Mỗi tuần tôi làm việc từ 60 đến 80 tiếng đồng hồ, và luôn
luôn có những bữa làm việc khuya và những bữa phài làm việc cuối tuần. Mỗi ngày
làm việc của tôi thường bắt đầu vào 6 giờ sáng với 90 phút luyện tập, sau đó là
công việc ở công ty luật cho đến 8 hoặc 9 giờ tối, khi mà tôi sẽ lẻn ra ngoài
đi tập và rồi trở lại làm việc ở văn phòng hay ở nhà cho đến 1 hoặc 2 giờ sáng.
Là đội trưởng, tôi không thể nào bỏ một buổi tập huấn khi mà mọi thành viên
khác đang cống hiến cả trái tim và tâm hồn của họ cho đội tuyển. Tuy nhiên, tôi
có thể cảm giác được sự thiếu ngủ đang làm tôi kiệt sức, và tôi không thấy một
sự tiến bộ nào trong kiếm đạo của mình. Nếu cứ tiếp tục như thế, tôi biết rằng
mình không thể nào làm tròn nghĩa vụ đội trưởng của mình trước những đối thủ
như là Hàn Quốc và Nhật Bản.

Một ngày vào tháng 7, tôi đang lật cuốn lịch của Nhật Bản của mình để đếm xem
còn bao nhiêu ngày sẽ đến giải vô địch, một dòng chữ như hét vào mặt tôi “Ato
jya dekinen-dayona. Ima no koto wa ima shika dekinu.” Có nghĩa là “Có những việc
không thể để sau. Hãy chớp lấy cơ hội.” Những chữ đó thể hiện câu thành ngữ
Nhật Bản mà tôi yêu thich “Ichigo, Ichie” hay là “Nhất kỳ, nhất hội (tạm dịch:
Chỉ có một cơ hội duy nhất trong đời). Chiều hôm đó, tôi nộp đơn xin nghỉ việc,
và chấp nhận một vị trí tạm thời tại Tokyo với
công ty GE Money Japan
để mà có thể luyện tập tại Nhật Bản để phát triển kiếm đạo của mình. Một tuần
sau, tôi nhận được lá thư từ thầy Kakehashi, người đứng đầu cảnh sát Tokyo (Keisicho) nói
rằng, “Chúng tôi mừng bạn đến Keisicho.” Và thế là quá trình huấn luyện của tôi
tại Nhật bắt đầu.

Huấn luyện vì Đài Loan

Chuyển đến sống tại Tokyo vào tháng 8 năm 2006, tôi bắt đầu việc luyện tập của mình
tại Keisicho sau khi tham gia trại hè tập huấn tại đại học Tsukuba và trường
trung hoc Fukuoka Ohori với Jason Brown và Simon Yoo của đội tuyển Mỹ. Thức dậy
5:30 phút sáng mỗi ngày, đến 6 giờ sáng tôi bắt đầu chạy 3km từ trạm xe điện
đến võ đường của Keisicho. Buổi tập buối sáng ở Keisicho chỉ có 40 phút, nhưng
là 40 phút của sự thất vọng, của sự đau đớn và nhiều lúc là nỗi sợ thật sự. Tuy
nhiên, nhìn những vất vả khó khăn mà những kiếm sĩ mạnh nhất thế giới phải chịu
đựng mỗi ngày để mà theo đuổi mục tiêu của họ càng làm tôi them nể phục, và
cũng là động lực to lớn cho tôi tiếp tục nâng cao Kiếm Đạo của mình. Sau vài
tháng tại Keisicho, tôi nhận ra rằng tôi cuối cùng đã tìm lại được “kiếm đạo của
mình”.

(còn nữa)


Được sửa bởi ptb phuong ngày Sat Mar 14, 2009 12:04 am; sửa lần 1.
Về Đầu Trang Go down
ptb phuong
Người giúp đỡ
Người giúp đỡ
ptb phuong


Tổng số bài gửi : 113
Age : 44
Registration date : 04/03/2007

BẠN CÓ TIN VÀO ĐIỀU KỲ DIỆU? Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: BẠN CÓ TIN VÀO ĐIỀU KỲ DIỆU?   BẠN CÓ TIN VÀO ĐIỀU KỲ DIỆU? Icon_minitimeSat Mar 14, 2009 12:01 am

Bạn có tin vào điều kỳ diệu? (tiếp theo và... hết)

Đội tuyển Mỹ và cơ hội duy nhất trong đời

Bắt đầu từ tháng 9, đội tuyển Mỹ bắt đầu tập trung vào chiến thuật thi đấu và
ngày càng bàn bạc nhiều về những chiến thuật cụ thể cho những đối thủ khác
nhau. Tôi bay về Los Angeles
mỗi tháng để tham dự trại huấn luyện và nâng mức độ tập luyện cũng như động lực
của các thành viên đôi tuyển bằng những câu chuyện về kinh nghiệm của bản thân
tôi tại Nhật.

Lúc này, HLV Onitsuka một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tập trụng và
chuẩn bị tâm lý tại giải vô địch. Cụ thể là chúng tôi bàn bạc về cách tiếp cận
chức vô địch đồng đội. Thay vì cho mỗi thành viên chiến thắng tất cả các trận,
chúng tôi nói về tầm quan trọng của việc nối kết mỗi trận với trận kế tiếp, và
nhấn mạnh rằng “mỗi người có một vai trò trong đội, và mỗi người phải hiểu được
trách nhiệm của mình tùy theo vai trò của mình.” Khi trách nhiệm đòi hỏi, tùy
theo tinh huống, phải có sức mạnh để mà kiên nhẫn bảo vệ sự dẫn đầu, phải có
sức mạnh để chiến thắng khi mà đồng đội vừa thua một trận, và quan trọng nhất,
phải có sức mạnh (đã được thể hiện bởi Danny Yang và Marvin Kawabata) để mà có
thể đứng vững và trả đáp trả lời kêu gọi khi mà sức ép và sự mong đợi của cả
nước được đặt lên đôi vai của bạn. Giữa những buổi nói chuyện như thế, tôi nói
với toàn đội về câu thành ngữ yêu thích của mình “Ichigo, Ichie.” Tôi bảo họ
rằng chúng tôi sẽ không bao giờ có được một cơ hội thứ hai để theo đuổi giấc mơ
của mình với những đồng đội hiện giờ. Để khỏi nuối tiếc suốt cuộc đời mình, tôi
kêu gọi mọi thành viên luyện tập như là không có ngày mai và khởi hành đến Đài
Loan trong tình trạng sức khỏe và tâm lý tốt nhất.

Đến Đài Loan

Đội tuyển Mỹ đến Đài Loan 10 ngày trước giải vô địch để làm quen với thời tiết
và sự thay đổi giờ giấc. Để chuẩn bị, chúng tôi thức giấc vào 6 giờ mỗi buổi
sáng, tập chạy và duỗi cơ bắp khoảng 45 phút trước khi đi ăn sáng, và sau đó là
đến phòng tập luyện của tòa thị chính Đài Bắc (được thuê bởi thầy Shikai) để mà
tập luyện 2 tiếng đồng hồ. Sau bữa ăn trưa, chúng tôi họp đội và xem băng hình
chú trọng vào những đối thủ của mình và giải vô địch.

HLV Onitsuka và tôi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn bị tâm sinh lý
khi vừa đến Đài Loan. Một trong những yếu tố được chú trọng là việc “ở cùng
nhau” trong suốt 10 ngày ở Đài Loan. Điều này có nghĩa là mỗi bữa ăn, mỗi lần
đi mùa đồ, ngay cả khi “rảnh rỗi” cả đội đều làm cùng với nhau. Có hai lý do để
làm như thế: một là giúp cho mỗi thành viên quên đi sự căng thẳng của giải vô
địch, hai là giúp mọi người nhận ra một lần nữa tình đồng đội đã trở nên vững
chắc như thế nào sau một năm tập luyện với nhau. Vài ngày trước giải vô địch,
tôi bảo mọi người “hãy nghĩ đến những hy sinh của các bạn cho đội tuyển Mỹ năm
vừa qua.” Mặc dù mỗi thành viên có những ý nghĩ khác nhau, nhưng không thể nghi
ngờ rằng mỗi người đã hy sinh rất nhiều để trở thành thành viên của đội tuyển
quốc gia. Ngày hôm sau, tôi bảo mọi người “hãy nghĩ đến tất cả những ại đã ủng
hộ bạn trong năm vừa rồi.” Bằng cách gợi nhớ lại những cảm xúc ấm áp của sự cảm
kích cũng như nỗi đau hy sinh, tôi muốn mọi thành viên nhận ra tầm quan trọng
của một năm hành trình đến giải vô địch. Làm việc đó, tôi tin rằng mọi thành
viên của đội tuyển bước vào giải vô địch với sự tự tin và sức mạnh hơn hẳn
những đội tuyển kiếm đạo Mỹ đi trước.

Giải vô địch đồng đội

Ngày 9 tháng 12 năm 2006, tôi, Danny Yang, Simon Yoo và Jason Brown tham dự giải
vô địch cá nhân, và mặc dù chúng tôi đã cố gắng hết sức, chúng tôi không thể
lọt vào nhóm 4 kiếm sĩ mạnh nhất thế giới. Tuy nhiên, sau giải vô địch cá nhân,
tôi bảo đồng đội “Sự kiện chính bắt đầu từ đây.” Đêm hôm đó, thay vì xem băng
hình và phân tích đối thủ, chúng tôi xem bộ phim tài liệu của HBO “Điều diệu kỳ
trên băng.” Như đội tuyển kiếm đạo Mỹ, đội tuyển hockey Mỹ bao gồm những vận
động viên nghiệp dư mà mọi người nghĩ rằng không có đủ kỹ thuật và sức lực để
mà thành công ở thế vận hội mùa đông năm 1980. Trong môi trường như thế, thành
viên của đôi hockey Mỹ đoàn kết thành một khối thống nhất và đã làm nên lịch
sử. Tôi tin rằng thành viên của đội tuyển kiếm đạo Mỹ có thể thấy được sự giống
nhau giữa chúng tôi và đội tuyển hockey, và cảm thấy rằng giấc mơ của chúng tôi
thật không xa quá tầm tay.

Ngày 10 tháng 12 năm 2006, ngày phán xét đã đến. Sau những trận đấu khó khăn
với đội Anh và đội New Zealand, thử thách thật sự của chúng tôi là đội Canada
trong trận tứ kết. Tôi đã từng nói đùa với đồng đội rằng “đừng có để đến trận Đại
Tướng mới là trận quyết định,” nhưng mà chúng tôi đã đoán trước đó là một trận
đấu rất cam go. Chúng tôi chiến đấu hết sức của mình, nhưng đội Canada cũng thể
hiện bản lĩnh của mình, và cuối cùng tôi đã có thể đánh bại Đại tướng của
Canada trong trận cuối cùng để mà vào bán kết đụng đội Nhật Bản (Kết quả là
2-2, nhưng chúng tôi thắng về số điểm ippon ghi được 4-2).

Vài phút trước trận đấu với Nhật Bản, tất cả mọi thành viên của đội tụ họp lại
lần cuối cùng và tôi nói với họ “Đây là mục tiêu mà chúng ta đã phấn đấu trong
suốt năm vừa qua. Chúng ta chỉ có một cơ hội. Đây là thời điểm của chúng ta.
Đây là giấc mơ của chúng ta.” Chúng tôi đồng thanh hô “USA!” và bước
vào trận đấu của giấc mơ.

Trong trận Tiên phong, Sandy Maruyama không hề lùi một centimet trước Ryoichi
Uchimura, đương kim vô địch Nhật Bản. Mặc dù anh thua 0-2, lòng quyết tâm và
tiếng hét kiai của anh đã thúc đẩy mọi người. Chúng tôi cần chiến thắng một cách
tuyệt vọng từ Danny Yang, Phó Tiên Phong, để mà tránh khỏi bị rơi vào một cái
hố không thể thoát ra trước đội tuyến xuất sắc nhất thế giới. Danny đã trả lời
niềm hy vọng của chúng tôi, ghi 2 điểm trước Susumu Takanabe, một thành viên
của cảnh sát vùng Kanagawa và cũng đã từng đoạt chức vô địch cảnh sát toàn Nhật
Bản. Chiến thắng này không những đã đem lại hy vọng cho cả đội mà còn đốt lên
ngọn lửa trong lòng khán giả, đem lại sự ủng hộ và sức mạnh không tưởng cho đội
Mỹ. Sau đó Fumihide Itokazu phải đối mặt với Shoji Teramoto, một thành viên của
cảnh sát thành phố Osaka, và mặc dù chúng tôi đã hy vọng có một kết quả hòa
trong trận này, rốt cục chúng tôi vẫn thua 2 điểm. Kết tiếp là tôi trong vị trí
Phó tướng. Khi nghĩ lại, đội tuyển Mỹ ở trong tình huống bắt buộc phải thắng
sau khi bị dẫn trước 1-2 trước khi bước vào trận Phó tướng. Tuy nhiên, suy nghĩ
di nhất trong đầu của tôi trước khi đối mặt với Jun Nakata, đương kim đội trưởng
của Keisicho, là “Tôi phải thắng.” Sau khi bằng một cách nào đó ghi hai điểm và
cân bằng trận đấu 2-2 (số điểm là 4-4), tôi quay về đứng trước mặt Marvin
Kawabata và bảo anh “hãy đem nó lại cho tôi” (nghĩa là hãy có một kết quả hòa
để hai bên cử ra đại diện cho trận quyết định). Tuy nhiên, Marvin Kawabata vượt
qua tất cả mọi hy vọng và mong đợi không chỉ của những thành viên đội tuyển ,
mà của tất cả mọi người tham dự giải vô địch khi mà anh đánh bại Kouchi Seike
2-0 và làm nên điều mà nhiều người cho rằng “điều kỳ diệu đầu tiên” trong lịch
sử kiếm đạo.

Đội tuyển Mỹ sau đó thua tuyển Hàn Quốc trong trận chung kết và lần đầu tiên
xếp thứ nhì trên toàn thế giới. Đánh bại Nhật Bản, đội vô địch thế giới trong
36 năm qua, nhưng lại thua Hàn Quốc dĩ nhiên đem lại cảm giác buồn vui lẫn lộn.
Dù vậy, tôi tin rằng những kết quả này và việc bạn không bao giờ có thể dự đoán
được kết quả của bất kỳ trận phân tranh thắng bại (shobu) nào, hay bất cứ cuộc
thi đấu nào, chính là bản chất và vẻ đẹp của kiếm đạo. Sau trận chung kết, tất
cả thành viên của đội tuyển Mỹ hội tụ lại với nhau, tay trong tay, và lần đầu
tiên để lộ những giọt nước mắt của mình. Tôi tin rằng đó là sự kết hợp giữa nỗi
thất vọng sau trận thua Hàn Quốc cùng với sự giải tỏa sau khi đã kết thúc một
năm hành trình, và niềm hạnh phúc sau khi đạt được một mục đích, một giấc mơ mà
không ai nghĩ có thể thành hiện thực. Được đứng trong vòng tròn đó cùng với
đồng đội của tôi, những người anh em của tôi, có lẽ là “điều kỳ diệu” mà tôi đã
theo đuổi từ lâu.

Hướng đến tương lai


Hơn một tháng đã trôi qua sau giải vô địch, và cuối cùng thì tôi cũng có thời
gian để nghĩ lại về những thành quả của chúng tôi. Chiến thắng của chúng tôi
trước Nhật Bản chắc chắn là một thành quả đáng tự hào mà mỗi thành viên của đội
tuyển Mỹ sẽ ghi nhớ suốt đời. Như tôi đã nói đến ở trên, thành quả của chúng
tôi nhấn mạnh rằng kết quả của một trận đấu không bao giờ có thể đoán trước
được. Tuy nhiên, nhiều người ở Nhật Bản đã đặt ra câu hỏi “Kiếm đạo sẽ thay đổi
như thế nào sau khi Nhật Bản thất bại?” Đối với câu hỏi này, tôi có thể trả lời
một cách không do dự rằng tôi không nghĩ rằng có cái gì sẽ thay đổi hay cần
được thay đổi.

Từ khi tôi bắt đầu tập Kiếm Đạo 22 năm về trước, tôi vẫn luôn hâm mộ kiếm đạo
của Nhật Bản và những kiếm sĩ đại diện cho Nhật Bản. Lần đầu tiên đến Nhật để
tập kiếm đạo, tôi không biết bất cứ một người thầy nào cả nhưng vẫn tim cách
lọt vào buổi tập kiếm đạo ở gần nhà của bà tôi ở Tokyo. Mười lăm năm đã trôi
qua từ lần đầu tiên ấy, và tôi đã có được cơ hội tập luyện tại những tổ chức
Kiếm Đạo hàng đầu Nhật Bản bao gồm trường trung hoc Fukuoka Ohori, đại học
Tsukuba và Keisicho. Bất cứ nơi nào tôi đến, tôi luôn được đón tiếp một cách
nồng nhiệt, được huấn luyện, được thúc đẩy mạnh mẽ, và luôn được tôn trọng như
là một “kiếm sĩ.” Tôi tin rằng đó là biểu tượng của sự “vĩ đại” của kiếm đạo
Nhật Bản, và là lý do mà không chỉ tôi mà còn tất cả các kiếm sĩ trên khắp thế
giới luôn nhìn vào Nhật Bản mà phát triển kiếm đạo của bản thân mình.

Cá nhân tôi cảm thấy rằng những kinh nghiệm và thử thách trong suốt quá trình
chuẩn bị cho Đài Loan quan trọng hơn và bổ ích hơn trong việc rèn luyện con tim
và tính cách của mỗi chúng tôi so với kết quả chiến thắng. Tuy vậy, tôi hy vọng
rằng thành quả của chúng tôi đại diện cho niềm tin mà tôi vẫn luôn bảo những
học trò của mình ở võ đường Torrance – “Nếu bạn theo đuổi một giấc mơ với tất
cả con tim và tâm hồn, đôi lúc những giấc mơ dường như không tưởng sẽ thành sự
thật.”

Tôi rất tự hào về việc mình bắt đầu tập kiếm đạo ở nước Mỹ và tập luyện tại võ
đường Torrance dưới sự chỉ giáo của thầy Tim Yuge. Hơn nữa, tôi tự hào và cảm
thấy danh dự được đại diện cho nước Mỹ tại giải vô địch thế giới, và hy vọng
rằng thành công của chúng tôi sẽ thôi thúc một thế hệ kiếm sĩ mới với mong ước
đại diện cho nước Mỹ. Tôi tin rằng thành quả này không chỉ là thành quả của tám
kiếm sĩ tụ hội với nhau để cùng theo đuổi một giấc mơ chung mà còn là thành quả
của những người thầy, những kiếm sĩ, bạn bè, gia đình và những người ủng hộ đến
từ những võ đường khác nhau, những liên đoàn khác nhau, những vùng khác nhau,
và ngay cả những niềm tin khác nhau, hội tụ với nhau để ủng hộ đội tuyển và
kiếm đạo tại nước Mỹ. Tôi tin rằng thành quả này thể hiện sức mạnh của sự đoàn
kết, và tôi hy vọng rằng chúng ta có thể tiếp tục làm việc cùng với nhau và
cống hiến cho sự thành công và phát triển của kiếm đạo ở nước Mỹ.
-

* Bài viết đăng trên tạp chí Kendo Jidai của Chris Yang,đội trưởng đội tuyển Mỹ
tại giải vô địch Kendo thế giới lần thứ 13 tại Đài Loan. Đội tuyển Mỹ đã lập
nên kỳ tích là đội đầu tiên đánh bại đương kim vô địch Nhật Bản ở trận bán kết.

* Chú thích: Trong thi đấu đồng đội trong kiếm đạo, mỗi đội
gồm có 5 người: Senpo (Tiên phong), Jiho (Phó tiên phong), Chuken (Trung kiên),
Fukusho (Phó tướng), và Taisho (Đại tướng). Thắng bại được quyết định trước hết
bằng số trận thắng bại, nếu số trận thắng bại bằng nhau thì kết quả được quyết
đinh bằng tổng số điểm ippon ghi được. Nếu cả hai vẫn như nhau thì mỗi đôi sẽ
cử một đại diện để thi đấu trận quyết định (daihyo-sen).

* Biên dịch: Q. Huy Sensei
Về Đầu Trang Go down
 
BẠN CÓ TIN VÀO ĐIỀU KỲ DIỆU?
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
HỒ CHÍ MINH KENDO GROUP :: Tư Liệu - Material :: Lịch sử và Huyền thoại-
Chuyển đến